image banner
Nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học phòng trừ bọ nhảy hại rau

Bọ nhảy là sâu hại quan trọng trên các loại rau họ hoa thập tự. Ấu trùng bọ nhảy gây hại rễ cây con, bọ nhảy trưởng thành gây thiệt hại bộ phận trên mặt đất của cây. Trong sản xuất rau họ thập tự hiện nay ở nước ta, biện pháp phòng trừ bọ nhảy chủ yếu vẫn dựa vào thuốc hoá học. Biện pháp này mang lại hiệu quả phòng trừ không cao do giai đoạn ấu trùng và nhộng tồn tại trong đất, và gây tác động tiêu cực tới sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Mặt khác, hiện nay nhu cầu về nông sản sạch của xã hội ngày càng gia tăng, đòi hỏi người sản xuất rau phải đổi mới kỹ thuật trồng trọt, phải có quy trình phòng trừ dịch hại tổng hợp, tạo ra các sản phẩm an toàn. Một số nghiên cứu sử dụng chế phẩm nấm ký sinh tuy nhiên hiệu quả phòng trừ chưa cao. Trên thế giới, nhiều biện pháp đã được áp dụng trong phòng trừ bọ nhảy, như biện pháp sinh học, hóa học, canh tác, biện pháp sử dụng pheromone dẫn dụ. Trong đó biện pháp sinh học được áp dụng phổ biến và mang lại hiệu quả phòng trừ cao và ổn định.

Việc phát triển biện pháp sinh học có hiệu quả để phòng chống bọ nhảy hại rau là một trong những yêu cầu cấp thiết của ngành bảo vệ thực vật. Vì thế, nhóm nghiên cứu của TS. Trịnh Xuân Hoạt tại Viện Bảo vệ thực vật đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học phòng trừ bọ nhảy hại rau” nhằm mục tiêu xác định tác nhân sinh học có khả năng khống chế bọ nhảy, xây dựng quy trình sản xuất chế phẩm sinh học phòng trừ bọ nhảy.

Bọ nhảy gây hại ở cả 9 loại cải điều tra, gây hại từ giai đoạn cây mầm cho đến khi thu hoạch. Tại các vùng sản xuất rau họ thập tự biện pháp hóa học là biện pháp chủ yếu được áp dụng để phòng trừ bọ nhảy với 89,17% số hộ áp dụng.

anh tin bai

Nhóm nghiên cứu đã thu thập, phân lập và xác định được 4 chủng TTKSCT, 2 chủng Steinernema huense và 2 chủng Heterorhabditid indica. Giá trị LC50 với sâu non ngài sáp ong của hai chủng Steinernema huense KH15 và 2 chủng Heterorhabditid indica KH33 tương ứng là 7 và 4 ấu trùng cảm nhiễm. Giá trị LC50 của 2 chủng với sâu non bọ nhảy tương ứng là 61 và 36 ấu trùng cảm nhiễm. Thử nghiệm nhà lưới và đồng ruộng cho thấy chủng H. indica KH33 hiệu lực phòng chống bọ nhảy tương ứng đạt 79-84% và 85,99-86,33% sau 7-14 ngày xử lý.

Các tác giả đã xây dựng được quy trình sản xuất chế phẩm EntoNema 33 từ chủng TTKSCT H. indica KH33 sử dụng thức ăn nhân tạo với quy mô 20 kg/mẻ, giá thành sản phẩm là 7.200.000 cho 8 kg, tương đương lượng sử dụng cho 1 ha 1 lần xử lý. Đã xây dựng được quy trình sử dụng chế phẩm EntoNema-33: Liều lượng sử dụng: 8 kg/ha. Thời điểm xử lý: 7 ngày sau khi sâu non bọ nhảy xuất hiện. Số lần xử lý: Xử lý 2 lần, lần sau cách lần trước 7 ngày.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã xây dựng 03 mô hình phòng chống bọ nhảy hại rau tại Lào Cai, Hà Nội và Lâm Đồng. Hiệu quả phòng chống bọ nhảy trong mô hình dao động từ 80-100% so với đối chứng không xử lý. Áp dụng thử nghiệm quy trình phòng chống bọ nhảy bằng chế phẩm sinh học cho hiệu quả dao động từ 17,09-30,67% so với đối chứng sử dụng thuốc hóa học của dân, tương đương 47.000.000-69.000.000 đồng (tính theo giá bán hiện tại là 7.000 và 5.000 đồng/kg, tương ứng).

Nguồn:vista.gov.vn

 
 

image advertisement

Đăng nhập