Mới đây, Hội đồng Khoa học - Công nghệ (KH-CN) cấp tỉnh đã nghiệm thu đề tài “Lưu giữ, bảo tồn nguồn gen đặc hữu địa phương” do ThS Nguyễn Trọng Lực, Phó Giám đốc Trung tâm KH-CN Phú Yên (Sở KH&CN) làm chủ nhiệm. Đề tài này thuộc đề án Khung các nhiệm vụ KH-CN về quỹ gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Việc lưu giữ, bảo tồn, khai thác và phát triển an toàn, bền vững nguồn gen cây trồng, dược liệu, các mẫu giống vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật quý là để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Nhân viên Trung tâm Khoa học - Công nghệ tỉnh tiến hành bảo tồn nguồn gen trong phòng thí nghiệm. Ảnh: LỆ VĂN
Khai thác, phát triển nguồn gen đặc hữu
Phú Yên có tính đa dạng sinh học cao. Về thực vật, tỉnh ghi nhận có 1.454 loài thực vật bậc cao, trong đó có 57 loài quý hiếm, 21 loài bị đe dọa ở cấp toàn cầu và 43 loài bị đe dọa ở cấp quốc gia; thực vật bậc thấp có 124 loài; hệ nấm lớn gồm 117 loài, trong đó có 2 loài nấm quý hiếm.
Động vật có xương sống trên địa bàn tỉnh có 95 loài thú, 258 loài chim, 97 loài bò sát và 34 loài lưỡng cư, trong đó có 79 loài động vật có xương sống quý hiếm...
Tuy nhiên, do tác động của con người và biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây, số loài và số lượng cá thể thuộc các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý hiếm trên địa bàn tỉnh đang bị suy giảm nghiêm trọng...
Nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, sự đa dạng loài và đa dạng di truyền, tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài động, thực vật. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành đề án Khung các nhiệm vụ KH-CN về quỹ gen cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Mặt khác, hằng năm, Sở KH&CN đã giao nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng cho Trung tâm KH-CN thực hiện công tác lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen, đồng thời thông báo và tuyển chọn các tổ chức, cá nhân tham gia nhiệm vụ KH-CN về nguồn gen cấp tỉnh.
Theo đó, thực hiện nhiệm vụ KH-CN này, từ tháng 8/2022 đến nay, nhóm nghiên cứu của Trung tâm KH-CN Phú Yên đã khảo sát và thu thập thông tin được 53 nguồn gen, gồm: 15 nguồn gen lâm nghiệp, 24 nguồn gen dược liệu, 5 nguồn gen nông nghiệp, 7 nguồn gen thủy sản, 2 nguồn gen vật nuôi.
Bên cạnh đó, trung tâm thu thập thông tin được 5 đơn vị trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ, bảo quản 115 nguồn gen. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn lưu giữ được 7 nguồn gen lâm nghiệp, 14 nguồn gen dược liệu và 2 nguồn gen invitro tại Trung tâm KH-CN Phú Yên.
“Chúng tôi đã xây dựng được vườn bảo tồn 7 giống cây lâm nghiệp, 12 giống cây dược liệu tại trung tâm như: Mun, giáng hương, chò chỉ, dó gạch; nhân sâm Phú Yên, hoàng đằng, lan kim tuyến.
Song song đó, thông qua 13 nhiệm vụ KH-CN các cấp hằng năm, trung tâm bảo tồn, nhân giống và bước đầu phát triển 14 nguồn gen, gồm 2 nguồn gen lâm nghiệp, 4 nguồn gen dược liệu, 4 nguồn gen thủy sản, 1 nguồn gen vật nuôi, 2 nguồn gen nông nghiệp, 1 nguồn gen nấm mối”, ThS Nguyễn Trọng Lực cho hay.
Bên cạnh việc bảo tồn, trung tâm còn khai thác và phát triển 8 nguồn gen quý, đặc hữu địa phương. Trong đó có 3 nguồn gen cây dược liệu: nhân sâm Phú Yên được trồng theo tiêu chuẩn GACP-WHO, ba kích tím và cà gai leo được nhân giống, trồng thương phẩm; 3 nguồn gen thủy sản: sò huyết Ô Loan, tôm hùm bông, cá chình hoa.
Đồng thời, đơn vị phát huy tài sản trí tuệ về chỉ dẫn địa lý sò huyết Ô Loan, chỉ dẫn địa lý tôm hùm bông và đang thực hiện chỉ dẫn địa lý cá chình hoa; 1 nguồn gen nông nghiệp gạo đỏ Tuy An; 1 nguồn gen vật nuôi hỗ trợ xây dựng thương hiệu để phát triển sản phẩm chứng nhận nhãn hiệu tập thể nguồn gen bò vàng Phú Yên.
Nhiệm vụ cấp bách
Theo ông Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN, đây là nhiệm vụ KH-CN nhằm đánh giá, bảo tồn, lưu giữ, bảo quản và phát triển các nguồn gen đặc hữu, quý hiếm, từ đó xây dựng kế hoạch lưu giữ, bảo quản các nguồn gen đang lưu giữ và bổ sung một số nguồn gen mới; đề xuất các giải pháp bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen.
Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen ở địa phương được các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân quan tâm và tham gia thực hiện. Tuy nhiên, hiện nhiều nguồn gen đặc hữu, có giá trị chưa được điều tra, thu thập đầy đủ nên có nguy cơ tuyệt chủng.
Mặt khác, việc bảo tồn và phát triển nguồn gen tại địa phương còn nhiều hạn chế, chưa phát triển thành chương trình, dự án để nghiên cứu chuyên sâu, phát triển thành các sản phẩm hàng hóa và phát triển bền vững...
Vì vậy, việc thu thập thông tin, đánh giá hiện trạng, tìm ra các giải pháp bảo tồn, lưu giữ và bảo quản các nguồn gen đặc hữu, quý hiếm có giá trị kinh tế cao, phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là vấn đề mà Sở KH&CN đang rất quan tâm và chú trọng trong tuyển chọn các nhiệm vụ KH-CN về bảo vệ nguồn quỹ gen hằng năm trong thời gian đến.
“Các giống cây, con đặc hữu, quý hiếm đã được điều tra, thu thập, bảo tồn dưới các hình thức tại chỗ và chuyển chỗ. Việc bảo tồn và khai thác nguồn gen đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp bảo tồn được các nguồn gen quý hiếm, đặc trưng của tỉnh.
Từ đó, ngành chức năng phát triển để thương mại hóa các nguồn gen, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên, môi trường, khai thác phục vụ nghiên cứu khoa học, sản xuất và đời sống”, ông Dương Bình Phú nhấn mạnh.
Giai đoạn 2021-2025, Phú Yên sẽ bảo tồn 76 nguồn gen quý hiếm và đặc hữu, trong đó có 23 nguồn gen cây lâm nghiệp, 32 nguồn gen cây dược liệu, 6 nguồn gen giống cây nông nghiệp, 8 nguồn gen thủy sản và 2 nguồn gen vật nuôi. Đồng thời, tỉnh tiếp tục bảo tồn và phát triển 38 nguồn gen cây lâm nghiệp, cây dược liệu, cây nông nghiệp và vật nuôi.
|
Nguồn: https://baophuyen.vn